Saturday, January 9, 2010

Quán sát sự thật, tâm trở nên bén nhạy

Thiền sư S.N. Goenka: Quán sát sự thật, tâm trở nên bén nhạy
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font

Nếu bạn có thể chuyển hóa điều đó thành tâm bi mẫn, thí lúc đó một thực tại khác sẽ trở nên rõ ràng. Nếu thay vì dấy khởi sân, oán thù, sợ hãi, ngã mạn, tôi phát khởi lòng thương yêu, bi mẫn, thiện tâm, thì rồi tự nhiên tôi sẽ được đáp trả.

Thiền sư S.N. Goenka đã giảng dạy về thiền Minh sát (Vipassana) hơn ba mươi mốt năm và rất nổi tiếng, có lẽ vì những khóa tu thiền tích cực 10 ngày của Thiền sư, được tổ chức tại các trung tâm thiền ở khắp nơi trên thế giới hoàn toàn miễn phí, chỉ nhờ vào sự hỗ trợ của các cựu thiền sinh.

Thiền sư S.N. Goenka sinh năm 1924, tại Mandalay, Miến Điện, là đệ tử của Đại lão Hòa thượng Sayagyi Ba Khin (1899-1971). Sau mười bốn năm tu tập, S.N. Goenka đã quyết định từ bỏ vị trí của một doanh nhân thành đạt để dốc toàn lực vào việc hướng dẫn thiền cho những ai muốn thực tập. Ngay nay, dưới sự sắp xếp của Thiền sư, hơn tám mươi trung tâm thiền trên thế giới hoạt động thường xuyên, đặc biệt Thiền sư đã thành công vang dội trong việc đưa phương pháp thực tập thiền Minh sát vào các trại giam, đầu tiên là Ấn Độ, rồi lan rộng đến nhiều nước trên thế giới. Tổ chức này ước tính đã có khoảng hơn 10.000 phạm nhân, cũng như nhiều thành viên trong ngành cảnh sát và quân đội, đã dự các khóa thiền 10 ngày này.

Helen Tworkov, biên tập viên của Tạp chí Tricycles đã phỏng vấn Thiền sư S.N. Goenka trong dịp Thiền sư đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình thế giới Thiên niên kỷ tại Liên Hiệp Quốc vào mùa thu năm 2000.

Nhân các phụ giáo của Thiền sư S.N. Goenka đến Việt Nam tổ chức hai khóa thiền Minh sát 10 ngày tại tịnh xá Ngọc Thành, Thủ Đức, chúng tôi xin dịch bài phỏng vấn này giới thiệu với bạn đọc.


Theo một số người thì thiền Minh sát (Vipassana) là một phương pháp thiền đặc biệt của hệ phái Nguyên thủy; theo một số khác, thì đó là một dòng thiền độc lập. Thưa, theo ý Thiền sư thì như thế nào?

Đó là một dòng thiền, nhưng không liên quan đến một hệ phái nào. Theo tôi, Đức Phật chẳng bao giờ thiết lập ra các tông phái. Khi tôi bái kiến Ngài Sayagi U Ba Khin, thầy tôi, ngài chỉ hỏi tôi vài điều. Ngài hỏi, là một người Ấn Độ có danh phận, tôi có phản đối việc giữ giới (sila) không? Làm sao tôi lại phản đối việc giữ gìn đạo đức, giới luật chứ? Nhưng làm sao giữ được giới luật khi tâm ta không ổn định?

Ngài bảo, ta sẽ dạy cho con thực hành giữ giới với tâm bình an. Ta sẽ dạy con thiền định (samadhi). Đồng ý không? Làm sao có thể không chấp nhận thiền định? Rồi sư phụ tôi tiếp, nhưng chỉ đơn thuần được định cũng không ích lợi gì – định chỉ có thể thanh lọc tâm con ở bề nổi. Sâu thẳm bên trong còn có những điều phức tạp hơn, có những thói quen hành động mà thiền định không thể phá vỡ.

Ta sẽ dạy cho con prajna, trí tuệ, giúp con đi sâu hơn vào tâm thức, cội nguồn, nơi phát sinh của những ô uế, bất thiện, rồi nhân rộng, tích lũy chúng, để ta phải ra sức tiêu trừ.

Do đó, khi sư phụ bảo tôi: Ta sẽ dạy con chỉ ba điều – giới, định và tuệ - và không có gì hơn thế nữa, tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Tôi trả lời: Xin Ngài, hãy cho con được thử.

Làm sao có thể giữ được giới? chỉ bằng cách theo dõi tâm?

Khi tôi bắt đầu học thiền Minh sát (Vipassana), tôi đi đến kết luận rằng Đức Phật không phải là người tạo dựng nên một tôn giáo, Ngài là một nhà khoa học, một nhà khoa học tâm linh siêu việt. Khi Đức Phật dạy về giới, dĩ nhiên, mục đích là vì chúng ta là những con người, sống trong xã hội loài người, thì chúng ta không nên làm bất cứ điều gì có thể xâm hại đến xã hội. Điều đó hoàn toàn đúng.

Nhưng rồi – như một nhà khoa học – Đức Phật nói những lời sau đây, khi ta làm hại người, khi ta làm những điều bất thiện, thì ta sẽ là nạn nhân đầu tiên. Trước tiên là ta hại mình, rồi mới hại đến người. Ngay khi một tư tưởng ô uế, bất thiện phát khởi trong tâm, thì tự nhiên ta sẽ cảm thấy bứt rứt, bất an. Tuệ minh sát đã dạy cho tôi biết điều đó.

Như thế nếu người ta có thể thấy rằng tâm bất thiện tạo ra sự đau khổ, bất an cho bản thân, thì đó có phải là sự khởi đầu của giới và tâm bi mẫn?

Nếu bạn có thể chuyển hóa điều đó thành tâm bi mẫn, thí lúc đó một thực tại khác sẽ trở nên rõ ràng. Nếu thay vì dấy khởi sân, oán thù, sợ hãi, ngã mạn, tôi phát khởi lòng thương yêu, bi mẫn, thiện tâm, thì rồi tự nhiên tôi sẽ được đáp trả. Tương tự, nếu tâm tôi ô uế, bất thiện thì tôi sẽ bị trừng phạt bằng cách này hay cách khác, cũng như khi tôi thanh lọc tâm thì tôi sẽ được đền đáp bằng cách này hay cách khác.

Khóa thiền Minh sát 10 ngày là gì?

Cả quá trình là một phần của sự chứng nghiệm hoàn toàn, quá trình của sự tự chứng, chân lý liên quan đến bản thân, do bản thân, tự trong bản thân. Đó không phải là một trò chơi của lý trí, cũng không phải là trò chơi của tình cảm hay lòng tín ngưỡng: “Ồ, Đức Phật nói rằng, và rằng …Thật quá tuyệt vời, tôi phải chấp nhận chúng thôi…”

Trái lại, nó hoàn toàn khoa học, tôi phải thật sự hiểu điều gì đang xảy ra bên trong tôi. Chân lý nào ở bên trong tôi? Chúng ta bắt đầu bằng hơi thở. Có vẻ như là một khái niệm vật lý, hơi thở vào, ra. Đúng là thế. Nhưng ở một mức độ sâu xa hơn, hơi thở gắn kết chặt chẽ với tâm, với những uế nhiễm, bất thiện trong tâm.

Trong khi hành thiền, chúng ta theo dõi hơi thở, nhưng khi tâm bắt đầu phóng đi xa – về những kỷ niệm trong quá khứ, những viễn ảnh tương lai – thì lập tức ta nhận thấy hơi thở không còn bình thường: hơi gấp rút, hơi nặng nề. Và ngay khi các uế nhiễm qua đi, thì hơi thở trở lại bình thường.

Điều đó có nghĩa là hơi thở được kết nối với tâm một cách mãnh liệt, không chỉ với tâm bình thường, mà còn với các tâm uế nhiễm. Do đó, chúng ta có mặt ở khóa thiền 10 ngày là để trải nghiệm, khám phá ra những gì đang xảy ra bên trong ta. Ở một mức độ sâu xa hơn, người ta thấy rằng tâm và thân gắn kết nhau qua các cảm xúc.

Điều này đưa đến một sự khám phá lớn khác – rằng bạn không phản ứng với một đối tượng bên ngoài. Thí dụ tôi nghe âm thanh và tôi nhận ra đó là lời khen hay tiếng chê của ai đó. Tôi trở nên hài lòng hay giận dữ. Ở bề nổi thì là bạn đã phản ứng lại với âm thanh. Đúng. Bạn đang phản ứng.

Nhưng Đức Phật cho rằng bạn đang phản ứng lại với cảm xúc, cảm xúc nơi thân. Rằng khi bạn cảm nhận một cảm xúc nơi thân, và nếu bạn vô minh, thì bạn cứ tiếp tục làm uế nhiễm tâm mình bằng lòng ham muốn, hay ghét bỏ, bằng ái dục hay sân hận. Vì bạn đang không biết điều gì đang xảy ra.

Khi bạn nghe lời khen hay chê, có phải là phản ứng được lọc qua tâm lý để đưa đến cảm xúc nơi thân, hay cả hai xảy ra cùng một lúc?

Việc này xảy ra tiếp theo việc kia, nhưng vì chúng xảy ra quá nhanh đến nỗi bạn không thể tách rời chúng ra. Quá nhanh! Cho đến một lúc nào đó, tự động bạn có thể bắt đầu nhận thức được rằng, “Hãy xem điều gì đang xảy ra này! Tôi vừa khởi tâm giận”. Và người thiền sinh hành minh sát tuệ sẽ lập tức nói “Ồ, rất nhiều sân hận! rất nhiều sân hận nơi thân, mạch đang nhảy liên hồi… Ôi, tôi khổ sở quá. Khổ sở quá”.

Nếu không đối mặt với cảm giác nơi thân, thì ta chỉ đối phó với nó trên lý trí. Bạn có thể nói, “Sân hận là không tốt”, hay “Tham là không tốt”, “Sợ hãi là không …” Tất cả đều là tri thức, những đạo đức chúng ta được dạy từ ấu thơ. Tuyệt vời, Cũng ích lợi.

Nhưng khi đã tu tập, bạn sẽ hiểu tại sao chúng ta không hoàn hảo. Không chỉ là chúng ta đem tai hại cho người khác, bằng cách phát khởi những uế nhiễm của tâm sân hận hay đam mê, sợ hãi, hay thủ đoạn, mà ta cũng hại chính bản thân.

Thiền Minh sát quán sát sự thật. Với hơi thở, tôi đang quán sát chân lý bề nổi, ở trên mặt. Nhưng từ đó nó đưa tôi đến những tầng sâu, sâu hơn nữa. Trong ba ngày thực tập rốt ráo, tâm trở nên sắc bén, vì bạn luôn thực tập quán sát chân lý. Không phải là sự tưởng tượng, không phải là triết lý hay tư duy. Chân lý, hơi thở, chân lý cũng như hơi thở, sâu hay cạn. Tâm trở nên rõ ràng, sắc bén quanh vùng mũi, bạn bắt đầu cảm nhận được một số phản ứng sinh hóa (biochemical), nghĩa là một số cảm xúc nơi thân.

Những cảm xúc này luôn có mặt khắp thân, nhưng tâm thô lậu chỉ có thể cảm nhận được những cảm xúc mạnh mẽ như đau đớn hay gì đó. Trong khi có biết bao cảm xúc khác nơi thân mà tâm không thể nhận ra.

Thưa Thiền sư, có phải phương pháp tu tập này là trọng tâm của Phật giáo?

Đúng vậy, nếu sự quán sát đúng đắn không được hướng đến các cảm giác thì chúng sẽ không thể đi vào những tầng thức sâu hơn trong tâm. Tầng thức sâu nhất của tâm, theo Đức Phật, luôn kết nối với các cảm giác nơi thân. Và bạn chỉ có thể khám phá ra điều đó bằng thực hành.

Vai trò của người thầy như ngài là như thế nào?

Một người thầy vì lòng bi mẫn và thương yêu, thấy rằng ai đó đang đau khổ nên muốn chỉ cho họ con đường. Nhưng chính mỗi cá nhân phải tự đi trên con đường đó. Người thầy không có phép màu gì. Chắc chắn như thế. Ông chỉ là người chỉ đường. Đó là nhiệm vụ duy nhất của người thầy, không có gì hơn thế nữa.

Thiền sư đã tạo dựng nên hệ thống tu thiền này khắp thế giới, nhưng dường như ngài không có người kế thừa?

Có quá nhiều người theo học, do đó để chọn ra một người nào đó để kế thừa sẽ làm xáo trộn sự thanh tịnh. Đức Phật chẳng bao giờ đề cử ai để làm người kế thừa. Vậy tôi là ai mà chọn lựa? Tất cả năm hay sáu trăm người thầy tôi đã huấn luyện, họ sẽ kế thừa. Nếu tôi không còn có mặt, họ vẫn tiếp tục. Không phải vì họ có lòng tin vào vị thầy – mà họ có lòng tin vào phương pháp, vào phương pháp đã đem đến cho họ kết quả.

Đó là những gì sẽ còn tồn tại. Nếu không, họ sẽ nghĩ rằng vì thầy ta còn đó nên ta được tất cả mọi điều lợi ích – khi thầy không còn nữa, tất cả đều cũng mất. Đó là sự sùng bái cá nhân. Phương pháp thiền Minh sát này rất tuyệt vời. Nó sẽ tồn tại. Đừng lo (cười). Tôi rất tự tin. Nó sẽ tồn tại.

…Nhìn về Á Châu, thấy các quốc gia như Miến Điện, Sri Lanka, với những bạo động, đau thương trong các quốc gia Phật giáo này – chúng ta có thể sử dụng sự tu tập, thực hành của mình như thế nào để có thể mang lại hòa bình, thưa Thiền sư?

Qua bao thế kỷ, trong lịch sử của Phật giáo chưa từng có một sự kiện nào trong đó người Phật tử nhân danh truyền bá đạo pháp để gây ra đổ máu. Phật giáo đi tới đâu, cũng mang theo tình thương yêu, lòng bi mẫn. Vì thế truyền thống đó đã nói lên rằng đây là con đường không có bao động hay đổ máu…

Theo giáo lý của Đức Phật, theo khoa học, khoa học nhân văn, và thực tại mà chúng ta đang đối mặt, chúng ta rất mong muốn hòa bình trong xã hội loài người. Chắc chắn là ai cũng mong muốn điều đó. Phật tử hay không Phật tử đều mong muốn điều đó. Nhưng làm sao có một xã hội hòa bình, an lạc. Nếu các cá nhân luôn giận dữ, sôi sục, thì không thể có an lạc. Thì làm sao ta có được xã hội hòa bình. Theo tôi, đó là điều không tưởng. Không hợp lý chút nào.

Thưa Thiền sư, không sử dụng từ “Phật giáo” có ích lợi không? Như thế ai cũng có thể tiếp cận với nó, tất cả mọi người?

Có hai từ tôi tránh dùng trong suốt ba mươi mốt năm qua. Trong suốt ba mươi mấy năm qua kể từ khi tôi bắt đầu giảng dạy, tôi không dùng từ “Phật giáo”. Tôi cũng không bao giờ dùng từ “tôn giáo”, để nói về giáo lý của Đức Phật. Theo tôi, Đức Phật chưa bao giờ dạy về Phật giáo. Đức Phật chưa biến ai thành một Phật tử.

Mọi người công nhận rằng mọi tôn giáo trên thế giới đều có những yếu tố chung, mà tôi gọi đó là cốt lõi nội tại của tôn giáo – đạo đức, làm chủ tâm, thanh tịnh tâm, vân vân. Tôi coi đó là cốt lỗi, cốt lõi thiện của tất cả mọi tôn giáo. Rồi mới đến cái vỏ bên ngoài. Cái vỏ bên ngoài của mỗi tôn giáo khác nhau. Hãy để mọi người tự do, bằng lòng với các nghi lễ, hình thức tôn giáo của họ - nhưng họ không được quên điều cốt lõi bên trong.

Nếu họ quên điều đó, mà lại tự xưng, tôi là người theo tôn giáo này hay tôn giáo kia vì tôi đã tuân theo các nghi lễ, các quy cách, thì họ tự lừa dối mình, họ đang lừa dối người…

Diệu Liên Lý Thu Linh dịch từ Superscience: An Interview with S.N. Goenka, Tricycles, Winter 2000

Theo: Văn hóa Phật giáo

Ông già “lẩn thẩn” xứ "Thần Kinh"

Ông già “lẩn thẩn” xứ "Thần Kinh"
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font

Không muốn nhìn cổ vật “chảy” vào túi tư thương, rồi tuồn ra nước ngoài, nhưng hiện trong túi ông không có "một xu", đành phải đợi... Ông Phan nghĩ ra cách để cạnh tranh với những gã buôn đồ cổ là ngày ngày lặn lội về “sống chung” với người dân vạn đò.

Có lần, nghe một người dân vạn đò trên sông Hương vớt được món đồ quý, ông tức tốc tìm đến, tức tốc trả giá và ôm cổ vật ra về mà quên trả tiền. “Hôm đó, tôi nghe có đồ quý nên chạy đi, không ngờ trong túi không còn một xu dính túi, đành dặn họ không được bán cho ai, rồi vội chạy về xoay mượn...”

Ông Hồ Tấn Phan - "tôi coi đồ cổ xứ Huế như máu thịt của mình".

30 năm lượm “đồ bỏ đi”

Nhắc đến ông Hồ Tấn Phan (71 tuổi), ở phường Phú Hiệp, TP Huế, người trong nghề đều gọi ông là “vua đồ cổ xứ Thần Kinh”, nhưng cũng có người gọi là “ông già lẩn thẩn”.

Mối lương duyên của ông cổ vật bắt đầu từ năm 1977, khi ông bỏ ngang nghề giáo viên, xin nghỉ mất sức. Từ đó, ông khăn gói đi tìm cổ vật. Bao nhiêu tiền bạc mà bảy đứa con làm ăn xa gửi về để bố mẹ dưỡng già, ông lén bà “đổ” vào cổ vật. Ngày qua ngày, tài sản có giá trị trong nhà lần lượt ra đi, “đổi” lấy những thứ mà với nhiều người là “đồ bỏ đi”.

Từ ngoài nhìn vào, nhà ông Phan đúng là ngôi nhà cổ vật.

Nói về vụ lấy hàng quên trả tiền, ông cười hóm: “Vét sạch tiền đi chợ của vợ cũng không đủ. Vừa lo vay mượn vừa sợ mấy tay buôn cổ vật trả giá cao, người ta bán mất nên ngày nào cũng mò đến chơi để canh hàng. Sau nhiều ngày chạy vạy, khi cầm được món đồ trên tay tôi mới thấy nhẹ người”.

Đa số cổ vật ông Phan có đều mua từ dân vạn đò sống trên sông Hương. Ban đầu họ xem những thứ như chum, hũ sành, bình vôi đồng... là những thứ bỏ đi nên bán rất rẻ. Thời gian sau, chuyện dân vạn đò vớt được nhiều cổ vật tới tai những tay buôn bán đồ cổ, họ đến săn lùng và mua lại với giá rất cao. “Khi những tay buôn đồ cổ nhảy vào, mình khó mà cạnh tranh được. Dân chài vớt được vật gì cũng đòi giá trên trời, mình thì tiền đâu mà mua. Có lúc nhìn thấy cổ vật quá quý hiếm, mình như nổi gai ốc nhưng đành chịu vì không đủ tiền”.

Không muốn nhìn cổ vật “chảy” vào túi tư thương, rồi tuồn ra nước ngoài, ông Phan đã nghĩ ra cách để cạnh tranh với những gã buôn đồ cổ là ngày ngày lặn lội về “sống chung” với người dân vạn đò. Nghe ai vớt được cổ vật là ông đến mua ngay. Lui tới thường xuyên nên quen, khi vớt được thứ gì họ thường bán cho ông với giá vừa phải. Vì vậy, người dân Huế đã quen với hình ảnh ông già độ tuổi thất thập suốt ngày lân la bờ sông, mạn thuyền cùng dân vạn đò. Kể đến đây, nở nụ cười hiền hậu, ông bảo: “Mấy ngày ni có mấy món đồ phải mua cho bằng được, nhưng trong túi không còn một xu. Chờ mấy đứa con gửi tiền về mà lòng như lửa đốt”.

Những cuộc săn tìm trong hơn 30 năm đã mang lại cho ông vô số đồ gốm, đồ đồng có niên đại hàng nghìn năm. Hàng ngàn cổ vật quý giá của ông được trưng bày la liệt. Trong “bảo tàng” cổ vật của ông, hiện có nhiều thứ thuộc loại rất quý hiếm, có giá trị lịch sử và khoa học cao, tiêu biểu là bộ đồ gốm Sa Huỳnh niên đại hơn 2.500 năm.

Những cổ vật trong bộ sưu tập của ông Phan. Ảnh: T.G

Ông chia “bảo tàng” của mình thành ba nhóm chính tương ứng với ba thời kỳ: Thứ quý nhất là cổ vật giai đoạn tiền và sơ sử, gồm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người tiền sử như chum, hũ, nồi niêu... Loại thứ hai có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XIV. Loại thứ ba có niên đại từ thế kỷ XIV đến thời nhà Nguyễn, đa số làm bằng đồng như bình vôi, bình hoa... được chạm khắc những hoa văn rất tinh xảo.

Không bao giờ bán giá trị lịch sử

Do không còn chỗ để trong nhà nên nhiều cổ vật được ông bài trí ở ngoài vườn. Hàng ngày ông đi khắp vườn nâng niu từng cái, thủ thỉ xin lỗi vì đành để “bạn” giãi nắng dầm sương. Dường như ở ông, thú săn tìm cổ vật không bị đồng tiền chi phối. Ông không bao giờ nói về giá trị bằng tiền của mỗi hiện vật mà mình có, bởi theo ông: “Đằng sau mỗi hiện vật là những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần của cha ông. Những giá trị đó không tính được bằng tiền. Bởi vậy, không ít lần các tay buôn cổ vật tìm đến trả giá mỗi món vài ngàn đô, nhưng tôi đều từ chối”.

Nhà không đủ chỗ, đồ cổ "tràn" ra vườn.

Không chỉ ham mê đồ cổ, ông còn có thói quen sưu tầm và đọc sách. Với hơn ba vạn cuốn, trong đó có rất nhiều loại sách lịch sử và văn hóa quý hiếm, như bộ sách “BAVH” (Tạp chí Những người bạn cố đô Huế) hơn 100 quyển, xuất bản năm 1914 bằng tiếng Pháp. Các bản Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc in trên giấy bổi từ thế kỷ 18, Souvenirs d’Annam của sĩ quan viễn chinh P. Beille, Souvenirs d’Hué của M. Đức Chaigneau bản in đầu tiên tại Paris năm 1867, Mỗi hoài ngâm thảo của Nguyễn Thuật, Ngục trung thư của Phan Bội Châu và Từ điển Hán - Anh xuất bản ở Trung Quốc...
Trong số đó, có nhiều sách được xem là “của độc” như các châu bản giai đoạn “bốn tháng ba vua” (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc) có chữ ký của các hoàng tử trình triều đình để phế vua và lập vua mới (trong kho lưu trữ có thể không có), Đại Nam thực lục từ thời Đồng Khánh đến Khải Định chép tay trên giấy bổi (chỉ chép có sáu bản), Việt Nam vong quốc sử bản chép tay của Phan Bội Châu, Dương Xuân Sơn Chí của một nho sĩ Phật giáo chưa xác định được tên.

Đồ cổ còn được treo trên những cành cây.

Dường như đồ cổ và sách là hai thứ đã ăn vào máu thịt của ông. Ông nói: “Cơn lũ lịch sử năm 1999 đã làm hỏng hơn 10.000 cuốn sách quí, khiến tôi như đứt từng khúc ruột”. Cũng nhờ ham đọc sách mà ông đã phát hiện việc gọi nhầm niên hiệu thành đế hiệu của các vị vua của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. “Không có vua nào là vua Nguyễn Huệ trong lịch sử Việt Nam cả, mà chỉ có vua Thái tổ Võ hoàng đế, tức Nguyễn Văn Huệ, lên ngôi năm 1789 lấy niên hiệu là Quang Trung. Thế tổ Cao hoàng đế thì gọi nhầm là vua Gia Long, Thánh tổ Nhân hoàng đế thì gọi nhầm là vua Minh Mạng (Gia Long và Minh Mạng là niên hiệu do hai vua này đặt ra khi lên ngôi)...

Tình yêu cổ vật trong ông được dồn vào những chuyến đi mải miết để mang về hàng trăm, hàng nghìn chứng nhân của một Huế xưa - Huế của mái đình, cây đa-Huế của bờ tre gốc rạ - Huế của bao thế hệ người nông dân, chân lấm tay bùn hun đúc nên “Văn hoá Làng”. Với ông bây giờ, còn sức khoẻ là còn lặng lẽ đi dọc những dòng sông xứ Huế để tìm lại những tinh hoa của đất Thần Kinh xưa.
Theo: Giadinh.net

Ca Ngợi Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Một Phật tử cúng Bức thư pháp Ca Ngợi Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font

Phật tử Nguyễn Hữu Tuyến - một doanh nhân tại TP. Hồ Chí Minh khi được Hòa thượng Thích Đức Nghiệp - Phó thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN giảng về bài thơ, cũng là phần kết tham luận của Hòa thượng tại Hội thảo nhân 700 năm Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, đã nhờ họa sĩ Trương Lộ - Phó Chủ tịch Hội Thư pháp Hán TP Hồ Chí Minh viết thư pháp Hán bài thơ này để phụng cúng lên Trúc Lâm Thiền Viện Yên Tử.

東 阿 卓 跡 此 山 中
Đông A trác tích thử sơn trung
峭 壁 凌 雲 表 貉 鴻
Tiễu bích lăng vân biểu Lạc Hồng
安 子 藥 庵 銘 石 室
Yên Tử Dược am minh thạch thất
佛 皇 陳 代 創 禪 宗
Phật Hoàng Trần Đại sáng Thiền Tông.
竹 林 印 越 雙 林 茂
Trúc lâm Ấn Việt song lâm mậu
甃 嶺 飛 來 一 樣 同
Thứu lĩnh phi lai nhất dạng đồng
虎 踞 龍 蟠 居 帝 位
Hổ cứ Long bàn cư Đế Vị
南 天 屹 立 別 靈 峰
Nam Thiên ngật lập biệt linh phong.

Cảm nhận thấy bài thơ cô đọng, thật thâm sâu ca ngợi công đức Nhà Vua- Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Phật tử Nguyễn Hữu Tuyến đã bạch với Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp xin thành tâm nhờ họa sĩ Trương Lộ - Phó Chủ tịch Hội Thư pháp Hán TP Hồ Chí Minh viết thư pháp Hán bài thơ này để phụng cúng lên Trúc Lâm Thiền Viện Yên Tử.

Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp hoan hỷ đồng ý cùng với dòng lạc khoản “Yên Tử thất bách niên húy kị Phật Hoàng Trần Nhân Tông, hậu học Thích Đức Nghiệp thành tâm kính bái”. Trên bức thư pháp có đóng triện của Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp và họa sĩ Trương Lộ.

Bức thư pháp Ca ngợi Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Phật tử Nguyễn Hữu Tuyến đã thành tâm tạm dịch bài thơ này như sau:

Văng vẳng Đông A dậy núi sông
Non xanh mây ngút bóng Tiên Rồng
Dược sư am đá bừng Yên Tử
Hiền triết Hoàng Trần lập Phật tông
Thứu Lĩnh vẹn tâm truyền Ấn Việt
Trúc Lâm Thiền Viện nguyện tương đồng
Long vờn Hổ phục bền Vương Đế
Cao ngất trời Nam sừng sững trông.

Phật tử Nguyễn Hữu Tuyến đã in 500 bản bài tạm dịch phụng cúng lên Trúc Lâm Thiền Viện Yên Tử.

Tại Trúc Lâm Thiền Viện Yên Tử, sáng mồng 7 Tết Kỷ Sửu 2009, Phật tử Nguyễn Hữu Tiến diện kiến trình bầy với Hòa Thượng Thích Kiến Viên về tâm nguyện phụng cúng bức thư pháp Ca ngợi Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng với 500 bản tạm dịch và lễ hoa quả dâng cúng Phật Tổ.

Phật tử Nguyễn Hữu Tuyến trình bầy tâm nguyện của gia đình với Hòa Thượng Thích Kiến Viên

Hòa Thượng Thích Kiến Viên đã chứng minh tâm nguyện này và động viên khuyến khích trau dồi tâm nguyện và chúc phúc cho toàn thể gia đình Phật tử Nguyễn Hữu Tiến.

Chia sẻ với Phattuvietnam.net, Phật tử Nguyễn Hữu Tiến nói "Làm xong tâm nguyện này, gia đình chúng tôi thật hạnh phúc có duyên đóng góp phần nhỏ bé của mình với Đạo Phật."

Hòa Thượng Thích Kiến Viên chứng minh tâm nguyện của gia đình Phật tử Nguyễn Hữu Tuyến

Dị nhân “đội” tóc rồng

Dị nhân “đội” tóc rồng
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo thước đo của chúng tôi mang theo thì mái tóc kỳ lạ này dài tới gần 1m, chiều ngang của nó đoạn lớn nhất lên đến 20cm, đoạn nhỏ nhất cũng tới 8cm.

Nhiều lần về Bắc Ninh công tác, chúng tôi có nghe người dân ở đây truyền tai nhau những câu chuyện kỳ lạ về mái tóc kết hình đầu rồng của một ông già 70 tuổi tên là Long Tiên ở thôn Duệ Đông, thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh. Và thật may mắn, vào đúng lễ hội Lim năm nay chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy mái tóc lạ kỳ ấy.

Ông Long Tiên có mái tóc kết hình đầu rồng. Ông có thể nhìn mặt trời hàng tiếng mà không bị choáng.

Mặc dù dòng người đổ về dự hội Lim rất đông nhưng hình ảnh một ông già mặc bộ quần áo màu vàng, trên đầu có mái tóc kết hình dáng rất giống đầu của một con rồng đang bước chân thoăn thoắt theo đoàn rước đã làm cho nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng do quá đông người, chúng tôi đã không thể tiếp xúc được ông già có mái tóc kỳ lạ này ngay tại hội Lim mà phải tìm về tận nhà ông mới gặp được.
Từ mái tóc kết kỳ dị
Thật dễ dàng để hỏi ra nhà ông già Long Tiên có mái tóc kết kỳ lạ, bởi cả thị trấn Lim này từ người già đến trẻ con ai cũng biết nhà ông. Khi chúng tôi tìm đến nơi thì ông đi hội chưa về. Phải ngót chục lần đi lại, chúng tôi mới được gặp ông trong căn nhà cũ nát như chỉ chực chờ một trận gió mạnh là đổ ụp xuống. Ôngcho biết, căn nhà này là do cha mẹ để lại cho ông. Các cụ làm căn nhà này khi ông còn chưa đẻ, nghĩa là tính sơ sơ, tuổi thọ của căn này cũng trên 70 năm. Đến đời ông, vì quá nghèo nên cũng chẳng đủ tiền để tu sửa lại.

Khi duỗi ra, mái tóc của ông Long Tiên rất giống con rắn hổ mang với phần đuôi tóc có ba lọn tóc dài tủa ra như ba sợi râu của con rắn hổ mang chúa.

Nóng lòng muốn biết những chuyện lạ xung quanh mái tóc do chính chủ nhân của nó kể lại đã khiến chúng tôi đứng ngay ngoài sân nhà để nghe chuyện.
Ông Tiên kể rằng: Năm 1994, vào một mùa hè nóng nực, tự nhiên ông nổi hứng muốn hành trình về đất Phật Yên Tử. Vậy là đúng vào thời điểm trời nóng như đổ lửa, cỏ cây cũng héo úa và xơ xác vì nóng thì ông lại một mình leo lên non thiêng Yên Tử để lễ chư Phật. Leo gần đến cổng chùa thì đúng chính ngọ. Lúc này không biết có phải vì hoa mắt do trời quá nắng nóng hay vì quá mệt do phải leo núi mà ông nhìn thấy có một bóng người, mờ mờ ảo ảo, mặc một bộ nâu sòng đi trước dẫn đường cho ông. Sau chuyến đi ấy, khi về nhà ông bị ốm một trận thập tử nhất sinh. Đến lúc khỏe lại, thấy tóc tai vướng víu khó chịu, ông đem lược ra để chải thì không chải được. Ông lấy kéo rồi nhờ đứa cháu họ cắt ngắn mái tóc của mình lên thì chỉ có thể cắt được những mảng tóc ở hai bên đầu còn ở giữa đầu và phần tóc ở gáy thì không thể nào cắt nổi.
Nhiều lần thấy vướng víu, khó chịu ông tự tay dùng kéo cắt mà không được. Sau những lần cắt không thành ấy, tự dưng ông gặp toàn chuyện xui xẻo. Lúc thì bị ốm hàng tháng không húp nổi bát cháo, lúc lại bị tai nạn xe máy đâm vào người, lúc lại bị điện giật... Sau nhiều lần như thế, ông không dám cắt tóc nữa. Cũng từ đó, ông bắt đầu tập ăn chay và chuyên tâm niệm Phật tại nhà.
Đến năm 1997, khi ông tròn 55 tuổi, sau một đêm ngủ, ông phát hiện ra mái tóc dài của mình tự dưng bị kết lại, dính bệt với nhau không tài nào gỡ ra được...
Với kinh nghiệm của một người lính từng có nhiều năm chiến đấu trong quân ngũ, ông Tiên hiểu rằng khi tóc bị kết thì không thể cắt, cạo hay làm bất cứ điều gì khác ngoài việc sống chung với nó. Tuy tóc bị kết lại nhưng ông vẫn cảm thấy bình thường, không hề có cảm giác gì khó chịu cả. Cũng từ đó, ông sống chung với mái tóc kết của mình. Mái tóc cứ mỗi ngày một dài thêm và chuyển dần sang màu vàng rồi trắng. Vì quá dài nên ông Long buộc phải gấp lại thành nhiều độn dùng dây để buộc lại cho gọn. Dù thế, ông chưa bao giờ dùng thước hay một dụng cụ gì để đo đếm xem mái tóc của mình dài bao nhiêu. Có thể như ông lão kỵ một điều gì đó. Tôi phải thuyết phục mãi, ông mới chịu gỡ những chiếc dây vải màu đỏ buộc những lọn tóc trên đầu xuống cho chúng tôi đo.
Thật lạ kỳ, mái tóc khi được duỗi ra trông chẳng khác gì một con rắn hổ mang với phần đuôi tóc là đầu rắn bởi nơi này là nơi phình ra to nhất, ở đó còn có ba lọn tóc dài tủa ra như ba sợi râu của con rắn hổ mang chúa. Nhưng nếu gấp khúc rồi buộc lại trên đỉnh đầu thì mái tóc này chẳng khác gì đầu của một con rồng đang trong tư thế ngẩng mặt bay lên Trời. Theo thước đo của chúng tôi mang theo thì mái tóc kỳ lạ này dài tới gần 1m, chiều ngang của nó đoạn lớn nhất lên đến 20cm, đoạn nhỏ nhất cũng tới 8cm. Từ đầu đến cuối đoạn tóc đều có màu vàng đan xen trắng và bị kết dính lại rất chặt với nhau.
Đến con người kỳ lạ
Khi hỏi thăm một số người trong thôn Duệ Đông nhà ông Long Tiên, nhiều người nhìn chúng tôi e ngại. Nhận thấy có sự khác thường trong ánh mắt của mọi người, chúng tôi đã thuyết phục một bà cụ 75 tuổi, là hàng xóm của ông Long Tiên để hỏi thực hư thì bà chỉ ôn tồn dặn mấy câu: “Mấy chú tìm ông Tiên có việc gì tôi không biết, nhưng tôi dặn các chú là hãy cẩn thận. Ông ấy không phải là người bình thường đâu. Ông ấy hâm hâm, dở dở, nói năng vớ vẩn lắm cho nên qua năm đời vợ rồi mà vẫn phải sống một mình...”.
Nghe vậy thì chúng tôi biết vậy nhưng vì chưa được gặp chính chủ của mái tóc kết đầu rồng nên chưa dám có ý nghĩ gì khác. Trong căn nhà xập xệ của ông, la liệt toàn nồi niêu, quần áo cũ và kinh Phật nằm ngổn ngang, chỏng chơ trên nền nhà, trên tủ gỗ. Trong ngôi nhà của ông có lẽ không có gì quý giá ngoài chiếc xe đạp thống nhất đã cũ. Ông kể rằng, đó là chiếc xe đạp mà đơn vị tặng ông lúc ra quân.
Chuyện là năm 1961, ông tham gia quân ngũ và được phân về trung đoàn 230 Phòng không – Không quân ở Giảng Võ, Hà Nội. Sau 12 năm 6 tháng (tức là đến 1973) ông ra quân trở về quê. Trước lúc về, anh em trong đơn vị có tặng ông một chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại.
Ngoài ra, trên một chiếc tủ gỗ đã cũ còn có hai bàn thờ Phật. Không biết ông có phải là một phật tử mộ đạo quá không mà sau khi kết thúc câu chuyện về mái tóc, ông luôn miệng đề cập đến đạo pháp. Ông giở cho chúng tôi nhiều trang kinh Phật đã được ông cẩn thận gạch mực đỏ dưới chân để giải thích với chúng tôi một điều, ông là hiện thân của đức Phật A Di Đà. Ông còn khoe rằng kể từ lúc ông bị kết tóc tự dưng thấy khỏe hơn xưa. Trong người lúc nào cũng có một nguồn năng lượng tràn trề muốn truyền cho người khác nhưng không có ai đáng để truyền cả. Gần đây, ông còn kiêm thêm nghề chữa bệnh.
Ông tự hào: “Tôi đã từng chữa cho nhiều người bị bệnh nan y và đa số họ đều khỏi hết...”???. Nói đoạn, ông chỉ cho chúng tôi một sợi lông trắng mềm nhuyễn như bông nằm ngay giữa hai lông mày, đuôi lệch về bên hữu và chỉ vào một đoạn trong kinh Phật cũng miêu tả về hình dáng của một vị Phật cũng có đặc điểm như thế để chúng tôi tin hơn rằng ông đang mang hình tướng của đức Phật.
Cũng trong lúc “xuất thần” khi kể chuyện ông có khả năng đứng nhìn Mặt trời cả ngày mà không hề hấn gì, ông lôi chúng tôi ra ngoài sân bằng được để xem ông trổ tài ngắm Mặt trời. Và quả thật, trước mắt chúng tôi, ông đứng lặng yên nhìn về phía Mặt trời tới 20 phút rồi mới chịu nhìn về phía chúng tôi giải thích về thói quen lạ thường này. Ông bảo: “Mặt trời là một vì tinh tú có nhiều nguồn năng lượng vi diệu. Ngay từ lần đầu tiên tập thói quen nhìn Mặt trời trong mỗi ngày, tôi đã có thể nhìn tới hàng tiếng đồng hồ mà không bị choáng...”.
Cho đến bây giờ, nhiều người làng là bà con thân thích và hàng xóm vẫn không tài nào hiểu được những hành động lạ thường của ông già 70 tuổi này, kể cả mái tóc kỳ dị, hiếm có của ông nữa.
Theo: Giadinh.net.vn

Tìm trong vô thường

Tìm trong vô thường
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thầy Huyền Diệu có vóc người cao lớn, nụ cười tươi tắn và đặc biệt là đôi mắt luôn mở to với ánh nhìn cương nghị, trung trực mà đầy lòng nhân từ bao dung. Vị thượng tọa nổi tiếng trong tổ chức Phật giáo thế giới, người đã làm nên những phép nhiệm mầu, điều kỳ diệu khi xây cất 2 ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề đạo Tràng.

Sinh ra với ngôi sao xấu (sao Lạch Ạch)

Có lẽ, tôi đã rất may mắn khi được tiếp kiến với thầy Huyền Diệu - Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới trong một khoảng lặng thời gian giữa sự bận rộn, gấp gáp trong chuyến trở về Việt Nam lần này của thầy, để ra mắt bộ sách: "Lòng tri ân và sức mạnh mầu nhiệm" và cuốn "Khi Hồng Hạc bay về và những điều mầu nhiệm". Cả hai cuốn sách do Nhà xuất bản Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành tháng 6/2008.

Dịp này thầy về thăm Đồi 79 mùa xuân, nơi xây dựng tượng đài Bác Hồ từ năm 1971 để trồng cây bồ đề được mang từ Nepal về trên đất chùa Linh Ẩn trong khuôn viên của khu du lịch sinh thái do Công ty Cổ phần đầu tư và Du lịch An Phát đang xây dựng dự án với diện tích 100 ha, nơi thầy Hyền Diệu đang có ước muốn phát triển thành Lâm Tỳ Ni thứ hai ở Đông Nam Á, biến nơi đây thành một vùng du lịch sinh thái và tâm linh phục vụ cho bẩy khu công nghiệp trên địa bàn và là cửa ngõ giao thông quan trọng giữa thủ đô Hà Nội.

Thầy Huyền Diệu có vóc người cao lớn, gương mặt thanh tú, nụ cười tươi tắn và đặc biệt là đôi mắt luôn mở to với ánh nhìn cương nghị, trung trực mà đầy lòng nhân từ bao dung. Vị thượng tọa nổi tiếng trong tổ chức Phật giáo thế giới, người đã làm nên những phép nhiệm mầu, điều kỳ diệu khi xây cất 2 ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề đạo Tràng (Boddha Gaya, Ấn Độ - nơi Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ).

Đồng thời là người ngoại quốc đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Nepal cấp đất xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa đầu tiên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật Thích Ca sinh ra, để từ đó hơn 20 quốc gia khác hưởng ứng, lần lượt xây dựng chùa của nước mình, tạo thành một Liên hiệp quốc Phật giáo tại Lumbini.

Thầy Huyền Diệu có cuộc đời bôn ba không ít sóng gió và tuổi thơ nhiều nỗi bất hạnh thương cảm. Thầy Huyền Diệu sinh ra ở Ba Tri, Bến Tre trong một gia đình nghèo. Khi ra đời, thầy Huyền Diệu không phải là một đứa trẻ mạnh khỏe mà trong mình mang nhiều bệnh tật nan nguy, đặc biệt là căn bệnh hen suyễn nặng hành hạ thầy trong suốt những năm tháng ấu thơ. Ba má thầy là những người yêu thương con cái nhất mực và lo cho con được học hành.

Sinh ra trong thời loạn, chiến tranh liên miên, tuổi thơ của thầy Huyền Diệu bị cắt vụn bởi bom đạn, bởi chạy loạn và bi kịch của gia đình. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc của ba má, sự chia tay của những bậc sinh thành đã gieo vào tâm hồn non nớt và ốm yếu của thầy Huyền Diệu những ám ảnh đau đớn và đầy sợ hãi.

Ba má chia tay, má nuôi cả mấy người con. Sự khó khăn trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần đã biến một người mẹ tần tảo sớm hôm, vất vả kiếm miếng cơm hằng ngày để lo cho đàn con trở nên khắc nghiệt. Bao bực dọc, nhọc nhằn ở ngoài đời, bà chỉ biết về trút lên đầu những đứa con thơ dại.

Thầy Huyền Diệu từ nhỏ đã bị những trận đòn roi nặng nề của má. Những trận đòn làm cho đứa trẻ yếu đuối và bệnh tật như thầy khủng hoảng tinh thần nặng nề. Nhưng vốn được dạy dỗ tử tế, cậu bé Huyền Diệu mặc dù bị má đánh nhưng trong lòng vẫn vẹn nguyên một tình yêu tôn kính sâu sắc với bậc sinh thành.

Trong cuốn "Lòng tri ân và sức mạnh mầu nhiệm", thầy Huyền Diệu đã chia sẻ rằng, chính những trận đòn dữ dằn của má khiến thầy có 4 lần nghĩ đến cái chết để thoát mọi đau khổ. Nhưng nếu mình tự tử chết, chắc má sẽ bị liên lụy pháp luật rồi không chừng phải vô tù, như thế má sẽ đau khổ nhiều lắm nên cậu bé Huyền Diệu lại thôi nghĩ đến cái chết. Nhưng, những trận đòn roi đã không giữ nổi chân cậu bé hiếu thảo ở lại bên gia đình.

Tìm đến ba thì chiến tranh bom đạn, không đi học được. Ba không nuôi nổi con trai, dăm bữa nửa tháng gửi ở nhà bà con này, rồi lại đến ở nhà bà con kia, cuối cùng thương con thất học, ba đưa Huyền Diệu trở lại với má. Từ ngày ba đưa về với má, má càng đánh đòn dữ hơn. Tuổi thơ của thầy Huyền Diệu trôi qua trong nước mắt, trong những lần khóc thầm, và rồi thầy quyết định bỏ nhà ra đi.

Trong nỗi đơn chiếc của một đứa trẻ lang thang, đói rách, khổ sở, phép mầu nhiệm đầu tiên đã đến với cậu bé tội nghiệp. Trong lúc lần đường tìm về với ba, tới phà Mỹ Tho, khi cậu bé Huyền Diệu vừa xuống phà thì gặp một vị thầy mặc áo nâu sồng. Thầy kêu tên cậu bé Huyền Diệu rồi bảo đi theo thầy về chùa ở vùng Thất Sơn (An Giang).

Ngạc nhiên và bị thu hút một cách huyền bí, cậu bé Huyền Diệu đã đi theo thầy một cách lạ thường. Đây chính là vị chân sư Hoằng Nhơn, sư phụ đầu tiên trong cuộc đời nhiều khổ đau nhưng cũng nhiều may mắn của thầy Huyền Diệu.

Trong cuốn “Lòng tri ân và sức mạnh mầu nhiệm”, thầy bộc bạch: "Mỗi lần nhớ đến cảnh bị đánh đập là tôi hốt hoảng, có lúc ngủ mơ la om sòm. Những ám ảnh hốt hoảng này theo tôi khá lâu, sau này nhờ sư phụ tôi - thầy Hoằng Nhơn chữa bệnh nên tôi đã trở lại bình thường.

Viết đến đây lòng tôi rất đau buồn, trái tim se sắt khi nghĩ đến trên trái đất này có nhiều trăm ngàn trẻ em chẳng may bị hoàn cảnh cha mẹ không giải quyết được bất đồng mà phải chia tay nhau trong đau khổ ngang trái, hận thù, không tha thứ cho nhau được thế là đau khổ lại đổ dồn lên con cháu.

Nếu những trẻ thơ này không may mắn gặp được những bậc chân sư giúp đỡ giải toả những uẩn khúc, thì lớn lên chúng sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời, đôi lúc trở thành trở ngại lớn cho đất nước hay xã hội".

Sức mạnh và phép mầu nhiệm

May mắn được vị chân sư Hoằng Nhơn mang về chùa ở vùng Thất Sơn nuôi nấng, chữa lành hết các chứng bệnh nan y, rồi dạy dỗ truyền cho những mật pháp đầu tiên trong đời, thầy Huyền Diệu đã bắt đầu tự tin, có tình yêu cuộc sống và giác ngộ Phật pháp. Sau sự kiện vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức, thầy Huyền Diệu là một trong những vị sư trẻ đứng xung quanh để bảo vệ cho việc tự thiêu này.

Bị truy lùng gắt gao, thầy Huyền Diệu và một số cao tăng được một tổ chức Phật giáo giúp đưa ra nước ngoài. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, thầy tiếp tục việc tu học.

Nỗi nhớ thương quê hương bản quán, mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tấm lòng tri ân luôn hướng về nguồn cội, ba má, về người thầy đầu tiên có tầm ảnh hưởng quan trọng trong suốt cả cuộc đời mình đã mang lại cho thầy Huyền Diệu một quyết tâm sắt đá, bằng mọi giá sẽ phải đi theo con đường của Đường Tăng để tìm đến với đất Phật. Tất cả những sự học, những việc làm kiếm sống, không nằm ngoài mục đích là tìm đến đất Phật.

Sau này khi đã tốt nghiệp Tiến sỹ về Lịch sử thế giới, và Quan hệ quốc tế ở Trường Đại học Sorbone - Pháp, thầy Huyền Diệu trở thành một người nổi tiếng khi được các trường đại học, các tổ chức xã hội mời đi dạy học và nói chuyện.

Thầy Huyền Diệu tham gia trong nhóm những người trợ giảng cho các trường đại học lớn và danh tiếng trên thế giới. Việc giảng dạy của thầy thường xuyên ở các nước trên thế giới: Australia, Mỹ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ v.v... đã mang lại nhiều tiền bạc cho thầy.

Cử chỉ tri ân đầu tiên sau khi đã thành đạt của thầy Huyền Diệu là năm 1976, thầy dành dụm toàn bộ số tiền mua một chiếc vé hạng nhất vòng quanh thế giới với giá 21.600 USD để gửi về biếu ba má và sư phụ Hoằng Nhơn.

Thầy Hoằng Nhơn từ chối quà tặng và viết thư cho thầy Huyền Diệu rằng: "Thầy rất cảm động vì lòng hiếu của con, thầy đã đi khắp thế giới nhiều lần, nhiều kiếp rồi. Nếu con kính quý thầy thì cố gắng làm điều thiện giúp đỡ người khác như thầy đã làm cho con. Con đừng gửi tiền bạc về nữa. Thầy sống trên núi, tự trồng lúa, trồng khoai sắn tự túc bao nhiêu năm nay rồi".

Kể từ đó, thầy Huyền Diệu tâm đắc lời dạy của sư phụ Hoằng Nhơn, tự hứa với lòng mình và bắt đầu phát nguyện. Tất cả các khoá dạy đạo, dạy tu hành, khoá tu tập và khoá giáo lý, thầy Huyền Diệu đều từ chối nhận tiền thù lao. Thầy khuyến khích các anh chị em tặng số tiền ấy vào các công việc từ thiện mà họ tự chọn lấy.

Xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự trên đất Phật

Thầy Huyền Diệu nói với tôi rằng, thầy sinh ra ở Việt Nam, chỉ sống ở Việt Nam có mười mấy năm thôi, rồi xa xứ đã hơn 40 năm rồi, không lúc nào trong suy nghĩ, hành động và công việc của thầy, thầy không hướng về Việt Nam, về gia đình, thầy giáo với một lòng biết ơn vô hạn.

Nhờ lòng tri ân ấy mà thầy đã xây cất được hai ngôi chùa mang tên đất nước Việt Nam và có cơ duyên tốt tái thiết thánh địa Lâm Tỳ Ni thuộc đất nước Nepal, một vùng đất xanh tươi nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) lóng lánh nhiều núi tuyết, nơi Đức Phật sinh ra cách đây 2.600 năm.

Tại đây, song song với việc xây Phật Quốc Tự, thêm một phép mầu nhiệm nữa đã đến bên cuộc đời của thầy Huyền Diệu đấy là loài chim Hồng Hạc đã di cư về Lâm Tỳ Ni và sống cùng với thầy Huyền Diệu. Ban đầu chỉ có một cặp Hồng Hạc, đến nay đàn Hồng Hạc đã tìm thấy chốn bình yên của mình nên đã sinh sôi nảy nở và kéo về 66 con sinh sống ở Lâm Tỳ Ni. Thầy Huyền Diệu trở thành Chủ tịch Hội canh giữ chim Hồng Hạc nhờ việc chăm sóc, bảo vệ và lao tâm khổ tứ theo đàn chim.

Chính những ngày tháng rỗi rãi do phải chờ kinh phí xây chùa chuyển sang, thầy Huyền Diệu đã đi theo loài chim Hồng Hạc để đếm chim, để nghiên cứu và bảo vệ loài chim xinh đẹp và quý hiếm này.

Thầy Huyền Diệu đã đến bên dòng sông oan nghiệt ở phía Đông Lâm Tỳ Ni, hàng năm dòng nước chảy xiết hung hãn cướp đi nhiều mạng sống của người dân địa phương.

Thương cảm chúng sinh, thầy Huyền Diệu đã niệm Phật mong sao có thể xây được cây cầu cho dân làng nơi đây. Ước nguyện của thầy Huyền Diệu đã có phép nhiệm mầu. Rất nhiều gia đình ở các nước Anh, Pháp, Mỹ sẵn sàng ủng hộ tiền xây chiếc cầu tình thương.

Sau bao nhiêu vất vả, khó nhọc, điều đình, cuối cùng cây cầu Tình Thương trên dòng sông Oan Nghiệt được đổi tên thành dòng sông Thanh Thoát đã trở thành hiện thực trước sự biết ơn của dân chúng trong vùng và đất nước Nepal.

Việc xây dựng hai ngôi chùa, đặc biệt là Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lâm Tỳ Ni cùng với cây cầu Tình Thương hết sức gian truân, vất vả. Thầy Huyền Diệu nhớ lại, với 60 USD trong túi, thầy đã ra chợ Bhairahawa gần biên giới Ấn Độ - Nepal mua một tấm nhựa màu xanh và nồi niêu xong chảo tất cả trên 50 USD rồi thầy cắm ngay căn lều bạt trên miếng đất đã chọn để xây Việt Nam Phật Quốc Tự. Đây là một thử thách lớn trong những thử thách rất lớn trong đời thầy.

Sống một mình ở nơi sình lầy, giữa cánh rừng không đường sá, không điện nước, không điện thoại, những tiện nghi tối thiểu đều không có. Những khó khăn về vật chất không đáng ngại bằng những khó khăn trở ngại từ tinh thần và một số quan chức địa phương chưa hiểu hết tấm lòng từ thiện bác ái của thầy.

Mới hiểu rằng, để trở thành một người muốn tu nhân tích đức quyết cống hiến đời mình cho việc thiện quả là không dễ dàng gì. Ở đời để làm được việc thiện cũng vậy, đôi khi phải gặp rất nhiều khó khăn trở ngại mới đi được đến đích. Làm việc phước đức không phải chuyện dễ.

Theo: CAND

Sống với hai truyền thống

Sống với hai truyền thống
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font

Ông Gil Frondal tu tập theo đạo Phật hơn hai mươi lăm năm, và đã hành trì theo cả hai truyền thống Bắc tông và Nam tông. Ông đã từng xuất gia và tu tập theo truyền thống thiền Tào Động của Suzuki Roshi, và được Truyền Pháp (dharma transmission) vào năm 1995.

Và ông cũng đã tu tập theo truyền thống Vipassana của Phật giáo Nguyên thuỷ, dưới sự hướng dẫn của ngài U Pandita. Từ năm 1990, Fronsdal trở thành vị thầy giáo thọ thường trú tại trung tâm thiền Insight Meditation Center tại Mid-Peninsula ở thành phố Redwood, California.

Trong bài phỏng vấn dưới đây, ông Gil Frondal có chia sẻ về kinh nghiệm thực tập của mình theo hai truyền thống Zen và Vipassana. Ông nói về những khác biệt cũng như sự hỗ tương lẫn nhau của hai truyền thống này. Và ông cũng chia sẻ những nhận xét của mình về vấn đề truyền dạy Phật pháp ở phương Tây, những đổi mới và sự khác biệt của Phật giáo Hoa kỳ.

Theo nhận xét của ông, người Tây phương cũng cần nên học hỏi thêm về truyền thống và văn hóa Phật giáo ở Á châu, vì nó có thể giúp cho sự tu học của họ được thêm phần sâu sắc.

Xin gửi đến các bạn bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Phật học Tricycle, ông Frondal chia sẻ về những kinh nghiệm thực tập của mình trong hai truyền thống Zen và Vipassana.

------

Ít có người nào lại là vị thầy hướng dẫn thiền cho cả hai truyền thống Zen và Vipassana cùng một lúc. Vì ông bắt đầu tu tập theo truyền thống Zen trước, nên ông có thể kể lại ông đã đến với pháp môn Zen như thế nào không?

Tôi bắt đầu chú ý đến đạo Phật khi còn ở đại học, khi tôi đang theo học ngành Khoa học Môi Trường (environmental science). Trong thời gian ấy tôi quan tâm về vấn đề làm sao để đối phó lại với sự thoái hoá của môi trường, và tìm hiểu những đóng góp của chúng ta trong vấn đề này.

Việc này đã đưa tôi bước sâu vào những tư tưởng của Đông phương – nhất là của Trung hoa, đạo Lão – nó mang lại một mô hình hoàn toàn khác biệt về mối tương quan giữa con người với thiên nhiên.

Tôi bắt đầu đọc những bài viết của Alan Watts và những sách về Phật giáo, và tôi cảm thấy rất phấn khởi, vì chúng dường như mang lại cho tôi những câu trả lời mới lạ.

Rồi một năm sau, tôi đọc được quyển Thiền Tâm Sơ Tâm của thiền sư Suzuki, và rất thích. Tôi cảm thấy như là nó trình bày một quan niệm sống mà tôi đang theo, mặc dù không hề ý thức đến. Và tôi cũng chú ý đến sự quan trọng của việc ngồi thiền mà quyển sách này nhấn mạnh. Mặc dù trong thời gian này tôi đã bỏ học đại học và đang sống trong một cộng đồng tâm linh, nhưng dường như chưa bao giờ ngồi thiền.

Cũng chính ở nơi này mà tôi đã khám phá ra quyển Thiền Tâm Sơ Tâm. Sau đó, khi vừa có dịp, tôi liền đi đến thiền viện San Francisco Zen Center của thiền sư Suzuki Roshi. Nơi đây tôi học zazen, tức phương pháp ngồi thiền. Tôi rất thích lối thực tập zazen này và công phu rất chuyên cần.

Dần dà, tôi muốn mang phương pháp ngồi thiền ấy vào trong đời sống hằng ngày của mình. Từ đó tôi xuất gia và trở thành một tu sĩ, mỗi lúc tôi càng bước sâu hơn vào con đường của đạo Phật.

Thế thì còn ông bắt đầu thực tập pháp môn Vipassana như thế nào?

Sau bảy năm tập thiền theo truyền thống Zen ở Hoa kỳ, tôi lại tiếp tục sang tu tập trong một thiền viện ở Nhật bản. Trong thời gian ở đây, tôi phải ra khỏi nước để xin lại hộ chiếu mới. Và tôi sang Thái lan.

Trong khi chờ đợi được cấp hộ chiếu mới, tôi đi đến một thiền viện ở ngoại ô Bangkok. Tôi tò mò muốn biết ở đây người ta hành thiền theo truyền thống Nguyên Thuỷ như thế nào. Tôi thực tập theo lời hướng dẫn của vị sư cả, và lúc đó lại ngay vào một khóa tu thiền tập Vipassana tích cực.

Vì lúc ấy hộ chiếu của tôi cũng phải mất ít nhất mười tuần mới xong, nên khóa tu im lặng Vipassana đầu tiên của tôi cũng kéo dài hết mười tuần.

Trong khóa tu ấy tôi có được một định lực rất mạnh, nó giúp tôi tiếp xúc được với cái mà tôi chỉ có thể diễn tả là những yếu tố cốt lõi của tâm mình, và nó thúc đẩy tôi muốn tiếp tục đi sâu hơn. Một năm sau, tôi trở lại Thái lan và Miến điện, và tôi tinh chuyên tu tập theo truyền thống Vipassana thêm trong vòng một năm rưỡi.

Sau nhiều năm thực tập theo truyền thống Zen, khi đổi sang Vipassana ông nhận thấy như thế nào?

Bản chất của Vipassana là chính niệm, hay là sự thực tập có mặt và ý thức rõ ràng với những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Thật ra chính niệm cũng là một phương thức mà ta có thể thực tập trong nhiều truyền thống khác nhau. Và trong khuôn khổ giáo lý của Vipassana mà tôi tiếp xúc ở Á châu thì đây là một pháp môn có mục tiêu rõ rệt.

Ngài U Pandita, vị thầy Miến điện của tôi, rất cứng rắn và cương quyết trong vấn đề đi đến Niết bàn, đạt được những tuệ giác và các quả vị tu chứng. Nếu như tôi là một thiền sinh mới, tôi chắc chắc là mình không thể nào sống sót được trong môi trường ấy đâu! Có lẽ tôi sẽ bị mắc kẹt trong những hoài bão và sự tự phê phán của mình.

Nhưng nhờ năm tháng tu tập theo truyền thống Zen, tôi đã thực tập hoàn toàn chấp nhận những gì có mặt trong giây phút hiện tại. Tôi thích ứng rất mau và không dễ bị nản lòng. Trong khi vẫn cố gắng hết sức mình để theo sát lời hướng dẫn thực tập Vipassana, ngay khi ấy tôi vẫn thấy rằng, sự thực tập shikantaza, chỉ quản đả toạ, chỉ cần ngồi an nhiên thôi, cũng đã giúp ích cho tôi rất nhiều.

Thực tập theo hai truyền thống khác nhau như vậy có mang lại một sự xung đột nào cho ông không?

Lúc đầu tôi cũng hơi vất vả khi cố gắng phối hợp giữa một truyền thống Zen, chủ trương rằng tu chứng nhất như, thực hành với chứng ngộ là một, với lại truyền thống của Nguyên thuỷ, chủ trương rằng ta phải cố gắng tu tập bây giờ để đạt được sự chứng ngộ về sau.

Nhưng sau cùng, tôi khám phá ra rằng hai phương pháp này không những chúng hỗ tương cho nhau, mà còn được xem như là hai mặt của cùng một đồng tiền. Thiền Tào Động dạy cho tôi chú ý đến bản chất thanh tịnh của mỗi giây phút hiện tại trong tiến trình ngồi thiền. Thiền Vipassana dạy cho tôi rằng, tiến trình ấy sẽ mang đến cho ta một sự tự do rộng lớn, mặc dù ta không hề xem đó làm một mục tiêu.

Trong khi thực tập Vipassana tôi ý thức rằng, thái độ chấp nhận chính mình và những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, mà tôi học từ Zen, tự nó cũng là một tác ý cho sự giải thoát. Hiểu vậy, tôi thấy mình không cần phải đặt một mục tiêu để cố gắng buông bỏ những chướng ngại cho tác ý tự nhiên ấy.

Và một trong những khó khăn tôi gặp phải trong thiền Zen là một thái độ tự mãn nguyện – một sự chấp nhận hơi dễ dãi và thoải mái. Thái độ ấy khiến tôi thiếu một sự thúc đẩy để cố gắng nhìn sâu hơn, để thấy rằng mình cũng vẫn còn nắm bắt và chống đối thực tại một cách rất vi tế. Và thiền Vipassana, nhờ nhấn mạnh vào việc nhìn rõ những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại, giúp tôi thoát ra khỏi trạng thái tự mãn ấy.

Ông có mang những yếu tố của Zen vào phương pháp dạy Vipassana của mình không?

Trong truyền thống Zen, tôi nhấn mạnh rằng mỗi giây phút ta thực tập chính niệm là mỗi giây phút toàn vẹn, tự chính nó là đầy đủ và hạnh phúc. Tôi khuyến khích các thiền sinh nên nhìn sâu hơn để nhận diện những gì đang ngăn chận không cho ta kinh nghiệm được điều ấy.

Tôi dạy họ rằng, cái cứu cánh phải được biểu hiện ngay trong cái phương tiện, tức sự thực tập của mình. Nếu mục tiêu của ta là muốn được an lạc, thì sự thực tập của ta cũng phải có biểu hiện một chút an lạc nào đó. Muốn có tâm từ, hãy thực tập tâm từ. Nếu muốn trở nên rộng lượng, hãy thực tập rộng lượng. Nếu muốn có tự do, thì đừng để những hình thức thực tập hay sự chứng ngộ trở thành những đối tượng nắm bắt.

Có những yếu tố nào trong truyền thống Vipassana mà ông cảm thấy xung đột với mình không?

Tôi hơi có chút vấn đề với giáo pháp về Tam Pháp Ấn trong truyền thống Nguyên thuỷ: vô thường, khổ và vô ngã. Khi tu tập ở Thái lan và Miến điện, tôi hơi khó chịu về việc giáo pháp ấy được dùng như những giáo điều nền tảng trong hầu hết tất cả các bài pháp thoại.

Tôi hơi khó chịu khi cứ phải nghe đi nghe lại mãi về ba đặc tính này của sự sống vô thường, khổ và vô ngã. Tôi có cảm tưởng rằng chúng chỉ là những giáo điều hay quan điểm mà người ta chấp nhận, không phải vì họ có tuệ giác về chúng, mà là vì họ đã được dạy đi dạy lại như thế! Tôi không tin vào việc ta nên chấp nhận một giáo điều nào mà không phải bằng tuệ giác của chính mình.

Có phải ý ông nói là chấp nhận một quan điểm nào đó mà mình không hiểu thấu hết?

Ý tôi nói tuệ giác không phải là một quan điểm. Vì tôi xuất thân từ truyền thống Zen nên tôi có một sự ngờ vực về các quan điểm. Trong truyền thống Zen chúng tôi phá đổ hết bất cứ một quan điểm nào ta áp đặt lên trên những kinh nghiệm của mình.

Ông có vấn đề gì với giáo pháp về Tam pháp ấn này?

Tôi đã không thể nào hoàn toàn hiểu hết được. Lẽ dĩ nhiên, nếu chúng ta nhìn rõ ta sẽ thấy mọi vật đều vô thường. Những ngọn núi là vô thường, điều đó tôi chấp nhận được. Nhưng nếu bảo rằng những ngọn núi phải chịu khổ đau thì tôi thấy hơi khó hiểu. Và cho rằng những ngọn núi "không có một cái ngã" cũng không có nghĩa lý gì nhiều lắm đối với tôi.

Giáo pháp về tất cả đều vô thường, nếu ta phân tách và giải thích ra thì nó rất là dễ hiểu, nhưng tôi thấy dầu sao đó vẫn chỉ là một quan niệm suông, mà không có một chứng nghiệm cá nhân nào sâu sắc hết.

Cuối cùng, tôi quyết định rằng mình chỉ có thể hiểu ba đặc tính ấy như là một sự diễn tả về tự tính của những kinh nghiệm của ta về thế giới chung quanh. Có rất nhiều vấn đề trong việc ta cho rằng mình biết thực tại thật sự là gì, và phải như thế nào. Tôi không nhìn thấy đạo Phật như là một hình thái mới của khoa Vật lý. Mà tôi thấy chính niệm phơi bày cho tôi thấy được mình đã nhận thức thế giới này như thế nào.

Như vậy thì ba đặc tính trong Tam pháp ấn ấy có những giá trị gì?

Khi sự thực tập Vipassana được sâu sắc, ba đặc tính ấy sẽ trở nên rất hiển nhiên. Nhưng chúng không phải là kiến thức, một sự hiểu biết mà ta áp đặt vào, chúng trở thành một kinh nghiệm rất rõ rệt và nổi bật. Nó rất là trực tiếp và ngay trước mắt ta. Và tuệ giác này sẽ có năng lực giúp tâm ta bớt đi những dính mắc. Khi ta kinh nghiệm được rằng, không có gì là lâu bền và cố định để nắm bắt, tâm ta sẽ dần dà không còn bị dính mắc nữa.

Ông có thể nói thêm về vấn đề quan điểm với lại tuệ giác không?

Trong thời gian còn ở đại học, tôi thấy mình có khuynh hướng bám chặt vào những kiến thức và quan điểm, mà không hề mang chúng ra thử lại với những kinh nghiệm hoặc các chứng cớ khác.

Ở đại học UC Davis tôi theo khoa Nông học, một ngành chuyên môn về sự chăm sóc và quản lý cách trồng trọt và mùa màng. Là một người có chủ trương bảo vệ môi sinh rất mạnh, tôi có những quan điểm rất cứng rắn về vấn đề trồng trọt hữu cơ (organic farming) với lại lối trồng trọt theo cách bình thường.

Nhưng khi tôi có dịp học hỏi thêm về những môn khoa học của đất đai, mùa màng, và phân bón, tôi thấy rằng những quan điểm của tôi quá khái quát và sơ sài. Và có nhiều điều lại hoàn toàn rất là sai lầm. Vậy mà tôi đã bám chặt vào chúng như là một chân lý vậy.

Kinh nghiệm này đã giúp tôi trở nên thật sự biết khiêm tốn hơn. Vì vậy, khi bước chân vào học Phật, tôi cũng rất để ý và không muốn mình lại bị sa vào cái bẫy ấy. Tôi cũng thấy rằng, trong đạo người ta rất dễ có khuynh hướng đem suy diễn một cách tổng quát, và không chịu nhìn sâu sắc. Và tôi không muốn mình bị vướng vào lỗi lầm đó một lần nữa.

Và ông làm thế nào để tránh được việc ấy?

Theo tôi thì học hỏi sâu sắc thêm về giáo lý và kinh điển có thể giúp mở rộng thêm phần tri thức của ta rất nhiều. Nó giúp tôi thấy được mình đang nắm giữ những quan điểm nào, tôi có những sự suy diễn nào về giáo lý, và bên dưới chúng là những giả định gì.

Tôi dựa trên thẩm quyền nào để cho rằng một điều nào đó là sự thật? Những câu hỏi ấy xuất phát từ truyền thống Zen của tôi, trong đó ta không được bị mắc kẹt vào bất cứ một quan điểm nào.

Khi hướng dẫn các thiền sinh, tôi cố gắng nhìn sâu xem họ đang nắm bắt vào một quan điểm nào. Quan điểm ấy có thích hợp không? Và có phải đây là lúc để tôi có thể giúp họ thoát ra khỏi quan điểm ấy không?

Nhưng đôi khi ông cũng có một lối dạy có vẻ hơi dễ dãi quá. Như là khi tóm tắt giáo lý về Tứ Diệu Đế, ông viết "Sự có mặt của hạnh phúc, và nguyên nhân của hạnh phúc." Tại sao lại có công thức mới đó? Nó có yếu ớt quá chăng?

Công thức đó chắc chắn không phải là một định nghĩa dứt khoát của Tứ Diệu Đế. Nhưng kinh nghiệm của tôi thì đôi khi trong đạo Phật người ta hơi quá nghiêm trọng trong vấn đề tu tập. Đôi khi lại còn là hơi khắc khổ nữa. Họ cứ chú trọng tìm kiếm những dính mắc, những nắm bắt của mình và tìm mọi cách buông bỏ. Và sự tu tập của họ vì vậy mà cũng trở nên quá nặng nề.

Nếu ta có thể nhớ rằng hạnh phúc và an lạc cũng là một phần của sự tu tập, ta sẽ không bị sa vào chiếc bẫy ấy. Và sự tu tập của mình nhờ vậy cũng sẽ được dễ dàng hơn.

Trong thời đại ngày nay, mọi người từ các giám đốc doanh nghiệp cho đến những nhân vật chơi thể thao, nhận thấy thực tập chính niệm – hay thiền quán – mang lại cho họ nhiều lợi ích. Và thường thì chữ đạo Phật lại hoàn toàn bị loại bỏ ra ngoài sự thực tập ấy. Ông thấy điều ấy có một sự nguy hại nào không? Ví dụ, có gì ngăn chặn một vị giám đốc một doanh nghiệp, CEO, thực tập chính niệm như là một phương tiện giúp gia tăng lợi nhuận cho mình, thay vì một mục tiêu đạo đức hay từ bi nào khác?

Thật ra tôi cũng không chắc phải trả lời câu ấy như thế nào, nhưng ta hãy nhìn nó dưới khía cạnh này: đối với tôi thì thiền Vipassana và thực tập chính niệm là một pháp môn rất mạnh mẽ và hiệu quả. Tôi rất vui khi thấy chúng đã giúp ích cho mọi người tùy theo nhu cầu của họ. Có rất nhiều người không quan tâm đến đạo Phật và họ cũng không đi theo con đường Bát Chính Đạo. Tôi cũng không có ý muốn cải đổi họ.

Điều mà tôi muốn làm đây là mang sự thực tập của đạo Phật đến với tất cả mọi người, mọi tầng lớp và giới thiệu sự ích lợi của nó có thể áp dụng cho mọi giới khác nhau.

Tôi thực tập theo tinh thần bồ tát trong truyền thống Zen: nguyện làm vơi bớt khổ đau của tất cả mọi người. Tôi không bao giờ từ chối bất cứ một ai đến với trung tâm của chúng tôi và muốn tiếp nhận những gì tôi có thể giúp được, như là: thiền tập, Phật pháp, một nơi ngồi thiền và một cộng đồng thực tập chung với nhau.

Có người dành hết cả cuộc đời mình cho sự thực tập Phật pháp. Có người tham dự những khóa thiều nhiều ngày, nhiều tháng, và họ còn đi sang Á châu để xuất gia trở thành tu sĩ. Một bên thì trung tâm của chúng tôi luôn chú tâm và hỗ trợ cho những người này. Và một bên kia là cố gắng giúp đở cho những người trong các tầng lớp khác của xã hội.

Họ là những người có những cuộc sống căng thẳng, có những khó khăn đối phó với cuộc sống, và rồi họ tình cờ có dịp tìm đến trung tâm của chúng tôi. Và tôi rất hoan hỷ vì đã trao cho họ những phương thức thực tập mà có thể giúp ích được cho họ.

Họ không nhất thiết phải trở thành những Phật tử. Nếu như họ chỉ muốn sống hạnh phúc hơn, tôi sẽ cố gắng giúp họ. Tôi cố gắng gặp họ trong hoàn cảnh của chính họ.

Người ta có thể than phiền về một thứ "Đạo Phật nhẹ nhàng" (Buddhism lite), nhưng tôi có niềm tin vào sự thực tập. Tôi có rất nhiều niềm tin vào trái tim của người khác. Tôi tin rằng trong chúng ta bao giờ cũng có một xung lực cố hữu, lúc nào cũng muốn đẩy ta đến giải thoát và một tình thương lớn.

Và khi ta giúp người khác một cách chân chính, những tính thiện ấy tự chúng sẽ biểu hiện ra. Tôi không cần bắt họ phải quy y hoặc khuyến khích họ đi theo một chiều hướng nào đó. Cách hay nhất là ta gặp họ ngay trong chính hoàn cảnh của họ.

Nếu sự thực tập của họ quá vị kỷ, không chóng thì chày họ cũng sẽ bỏ cuộc hoặc nhận thấy được những giới hạn của sự vị kỷ ấy. Đến một lúc nào đó, ta không thể nào chỉ thực tập riêng cho chính mình được. Động cơ thúc đẩy chúng ta trên con đường tu tập, một phần cũng là vì tình thương đối với kẻ khác nữa.

Ông thấy có vấn đề gì khi ta bắt đầu tu tập bằng ngồi thiền, như là Vipassana, thay vì là với những thực tập cơ bản như là học giáo lý, tụng kinh, tập nghi lễ trước hết hay chăng?

Không có gì là sai trật với việc chúng ta bắt đầu sự tu tập bằng thực tập ngồi thiền. Nhưng ta sẽ khó giữ cho sự thực tập ấy được lâu bền nếu ta không có được những sự hỗ trợ khác.

Theo truyền thống thì sự thực tập Vipassana phải có sự ủng hộ và bảo vệ của giới luật, cộng đồng, nghi lễ, và những sự thực tập khác như là quán tâm từ, thiền định. Người ta cũng thường tổ chức những ngày hội vui hoặc nghi thức hành lễ, mà mục đích là để mang cộng đồng tu học lại với nhau, để thiết lập một môi trường nương tựa lẫn nhau. Và nó cũng nhắc nhở rằng, ta không phải thực tập cho riêng chính mình, mà còn là cho những người chung quanh nữa.

Tôi thấy phong trào Vipassana ở Hoa kỳ có một khuyết điểm là nó chưa có được một tăng thân vững mạnh đủ, và vì vậy mà có một số hành giả trở nên quá vị kỷ trong sự thực tập của mình. Thực tập nương tựa vào cộng đồng, vào tăng thân, và theo truyền thống, có thể giúp ta sửa đổi được khiếm khuyết này.

Ông có thể cho một ví dụ về một sự đổi mới nào trong đường lối tu tập đạo Phật ở Hoa kỳ, và ông nghĩ nó có giúp ích gì không?

Một ví dụ là phong trào Vipassana ở Hoa kỳ ngày nay thường hay nhấn mạnh về sự "tương quan kết nối" (interconnected) trong giáo lý về vô ngã, anatta. Ý niệm này thường được nhấn mạnh nhiều đến nỗi người ta có thể hiểu lầm rằng, giác ngộ được lý tương-quan-kết-nối này là mục tiêu rốt ráo của đạo Phật.

Sự thật không phải vậy! Thật ra thì đó chỉ là một sự nhấn mạnh riêng cho người Hoa kỳ. Theo tôi nghĩ, ý thức về sự nối-liền này được đưa ra như là một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa cá nhân (individualism) của chúng ta, và giúp chữa trị những khổ đau do sự chia cắt ấy gây nên.

Đối với những người Phật tử ở Á châu, đặc biệt là ở Ấn độ và Đông Nam Á, những giáo lý này rất xa lạ đối với họ. Và có lẽ nó cũng không mang lại một ích lợi gì nhiều, vì ở Á châu họ không có chủ nghĩa cá nhân.

Trong kinh điển Pali, sự tương quan liên kết (interconnectedness) không được xem như là một giá trị tuyệt đối. Sự giải thoát của ta không hề tùy thuộc vào một thế giới nối-liền nhau.

Ở chỗ này, hiểu được truyền thống và thế giới quan của Á châu, giúp ta thấy rõ được sự khác biệt trong sự truyền dạy ở Tây phương. Và khi nhận thấy được sự khác biệt ấy rồi, chúng ta có thể tự hỏi tại sao lại có sự khác biệt ấy. Chúng ta nhấn mạnh lý tương quan với ý nghĩa gì đây? Tại sao nó lại quan trọng đến như vậy? Chúng ta cũng có thể hỏi rằng, sự nhấn mạnh này của chúng ta có đúng với nền tảng giáo lý phật pháp hay không?

Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau. Có người cho rằng sự quan trọng hóa lý tương quan là một sự sai lạc của giáo pháp, dharma; người khác cho rằng nó là một sự cải tiến của giáo pháp. Có một quan điểm cho rằng, đó là một sự truyền đạt chính xác của đạo Phật áp dụng rất thích hợp cho văn hóa Tây phương. Hoặc là nó làm sáng tỏ thêm những khía cạnh trong Phật pháp mà vô tình đã bị chìm khuất ở Á châu.

Tôi không quan tâm đến vấn đề ta nên đồng ý theo quan điểm nào, có lẽ mỗi quan điểm đều có phần đúng. Tôi chỉ muốn hiểu cho sâu sắc truyền thống Phật giáo ở Á châu, để ta đừng tự đánh lừa mình, cho rằng những gì ta đang giảng dạy và tu tập ở đây là cách Phật giáo đã và đang được hành trì từ xưa đến nay.

Nếu như ta chấp nhận một cái ngã tương quan liên kết này (interconnected self), thì có phải chăng cái ngã tương quan ấy cũng vẫn cần được xem xét lại như cái ngã cá nhân (individual self) chăng?

Tôi hy vọng là như vậy! Cho rằng cái ngã ấy là một với tất cả vạn hữu hay là "cái ngã không độc lập" thì nó vẫn là một ý niệm về cái ngã. Người ta rất dễ chấp vào một kinh nghiệp sâu sắc nào đó như là mục tiêu của sự tu tập, hoặc liên kết kinh nghiệm ấy với lại một ý niệm về cái Tôi.

Nhận diện được sự liên kết mật thiết giữa mọi sự sống là một cảm nhận rất mãnh liệt. Nhưng nếu ta cho đó là cứu cánh là ta đã tự dối lừa mình, vì sự giải thoát phải vượt ra hết mọi những kinh nghiệm nào còn điều kiện. Chứng nghiệm được sự tương quan giữa mọi vật là một kinh nghiệm rất kỳ diệu, nhưng dầu sao thì nó vẫn còn bị điều kiện.

Một lời dạy trong đạo Phật là bất cứ một quan điểm nào mà ta có về tự tính của cái ngã, cho dù là cái ngã độc lập hay tương quan, thì vẫn chỉ là một ý niệm mà thôi, chưa phải là sự giải thoát rốt ráo.

Vì vậy mà tôi thường hay nhấn mạnh về sự thực tập chính niệm, một cái nhìn thẳm thấu không biện luận, thay vì là những suy tư và phân tách. Ta phải thực tập một chính niệm không suy diễn, bằng một kinh nghiệm trực tiếp.

Ông có lạc quan về tương lai của Phật giáo ở Hoa kỳ chăng?

Có chứ! Tôi rất lạc quan khi tôi nghĩ đến những cộng đồng tu học đang mỗi lúc một bành trướng. Tôi cũng rất phấn khởi khi thấy những hành giả từ nhiều truyền thống khác nhau có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Và dù vậy, tuy chúng ta học hỏi lẫn nhau, nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ giữ cho các truyền thống vẫn được riêng biệt.

Tôi là vị thầy của hai truyền thống Zen và Vipassana, và tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta đừng bao giờ pha trộn hai truyền thống lại và làm thành một. Mỗi cái có một nét đơn nhất và cá biệt. Chúng bắt nguồn từ những thế giới quan khác nhau.

Mỗi truyền thống có những tuệ giác và đường lối khác nhau về giáo pháp. Tôi mong muốn những truyền thống cùng có mặt hoà hài với nhau, trở thành những tấm gương soi lẫn nhau, để giúp ta đi sâu hơn vào truyền thống của chính mình.

Nhưng ông là một ví dụ rất cụ thể của một người Tây phương được tiếp xúc và hành trì nhiều hơn là một truyền thống của đạo Phật. Và có thể nào ta tránh được khỏi vấn đề chúng ảnh hưởng và nhồi nắn lẫn nhau chăng?

Tôi rất hoan hỷ với sự ảnh hưởng bỡi hai truyền thống của mình. Nhưng tôi không hề muốn những truyền thống hoà nhập chung lại với nhau thành một hình thức hỗn hợp, không rõ ràng.

Là một vị thầy của hai truyền thống, tôi bao giờ cũng rất cẩn thận về việc duy trì sự khác biệt ấy. Đối với người chỉ theo một truyền thống thì họ có thể dễ dàng áp dụng và vay mượn từ những truyền thống khác mà không có gì lo ngại hết. Nhưng tôi thì phải quan tâm, vì tôi không muốn biến Vipassana thành một hình thái mới của Zen, cũng như biến Zen thành một hình thái mới của Vipassana.

Chúng có những sự khác biệt và tôi tôn trọng sự khác biệt ấy. Và tôi cũng rất biết ơn là nhờ ở cả hai truyền thống mà tôi thấy mình được trở nên giàu có hơn.

Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch

Theo: Hoằng Pháp

Người mẫu nổi tiếng Kohinoor Singh và Sư cô Losang

Người mẫu nổi tiếng Kohinoor Singh và Sư cô Losang
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font
image

Kohinoor Singh đã từng là người mẫu nổi tiếng của Nepal với một bề ngoài thật thu hút và sang trọng. Nhưng cô đã khiến nhiều người kinh ngạc khi quyết định đi tu. Cô đã dành cho PV một cuộc trao đổi thật giản dị và sau một vài câu chuyện qua lại, sự điềm tĩnh, sự khiêm nhường và cách nhìn về đời sống của cô làm tôi rất khâm phục.

- Cô đã từng là người mẫu nổi tiếng hàng đầu của Nepal. Cô từng được mọi người yêu chuộng từ sân khấu thời trang cho đến thương trường quảng cáo và thu hình âm nhạc và Cô còn là người điều khiển chương trình cho những chương trình truyền hình. Tại sao Cô lại có một sự thay đổi bất ngờ như vậy?

- Mọi người đều chú ý tới sự thay đổi bất ngờ này vì họ luôn luôn thấy bên ngoài của tôi như là một người mẫu. Họ không biết tôi như là một con người.

Đối với tôi, không có gì thay đổi cả vì tôi vẫn luôn luôn như thế. Người mẫu là nghề nghiệp của tôi và bây giờ tôi đã từ bỏ để đi tới con đường riêng của tôi. Thật là hiển nhiên cho mọi người thấy rằng bước đi này của tôi là một sự thay đổi lớn nhưng tôi không cảm thấy có gì khác biệt.

- Khi không có sự khác biệt theo ý kiến và sự cảm nhận của Cô, tại sao Cô nghĩ là cần phải thay đổi trong y phục?

- Y phục của tôi là kỷ luật. Giống như trường học có đồng phục để nhắc nhở học sinh về luật lệ của trường và bạn nên ở trong kỷ luật đó, y phục của tôi giúp tôi gần gũi hơn trong trách nhiệm là trở thành người tốt cho xã hội. Nếu tôi không làm được gì tốt, tôi cũng không nên làm gì xấu.

- Cô định nghĩa con người Kohinoor Singh như thế nào?

- Tôi là một phần của tất cả. Tôi giống như một người bình thường với quan niệm và ý kiến riêng. Với vật chất là sự tối cần thiết, chúng ta dường như quên đi rằng tất cả chúng ta đều có một sự cảm nhận tương tự nhau. Cái tâm linh bất diệt trong mỗi chúng ta đều giống nhau.

- Trong thời giai làm người mẫu, sự hào nhoáng và nịnh hót có lôi cuốn Cô không?

- Hoàn toàn không. Với tôi, người mẫu chỉ là một công việc. Nó không bao giờ làm cho tôi kích thích khi mọi người ngưỡng mộ nhan sắc của tôi bởi vì tôi biết họ chỉ ngưỡng mộ hình ảnh bên ngoài của tôi và không biết được con người bên trong tôi.

Mọi người có quan niệm khác nhau về một người mẫu và người đó phải vật lộn rất nhiều với quan niệm tiêu cực như trong một xã hội bảo thủ của chúng ta. Những quan niệm này làm tôi chán nản.

- Cô có ý định trở thành Ni cô như thế nào?

- Vào thuở ấu thời khi tôi đi tản bộ ở chùa Swayambu, Kathmandu, tôi luôn chú ý đến một nữ tu sĩ thường hay ngồi thiền. Cô ta luôn luôn trầm lặng và tươi cười. Chúng tôi luôn luôn thấy Cô ấy trong y phục tu sĩ và vì thế không có gì khó khăn cho tôi khi tôi nhắm mắt lại và hình dung về hình ảnh của Cô. Và với ý nghĩ này luôn làm tôi mê say.

Gần đây khi tôi đến thăm chùa Swayambu, một cái gì đó đã xảy ra và tôi cảm thấy dễ chịu và thanh thản. Lúc đó tôi nhận thấy rằng nhân duyên đã đến để tôi lo về cuộc sống tâm linh và bày tỏ được con người thật của tôi. Trở thành một ni cô chỉ là một giai đoạn trong cuộc sống của tôi. Tôi học hỏi đạo Phật. Định mệnh an bài cho tôi học hỏi và giác ngộ trong cộng đồng này.

- Xin tiếp tục

- Hiện tại tôi rất là vui, tôi chắc chắn rằng nếu tôi làm một việc gì đó tôi sẽ luôn luôn làm được tốt đẹp. Tôi muốn đi thăm viện dưỡng lão. Mặc dù tôi không có gì để cho họ, tôi có thể ngồi với họ, chia sẻ những nỗi đau và nụ cười với họ.

- Cô còn rất trẻ và đang ở trong lứa tuổi của những ham muốn, cám dỗ vật chất, Cô dường như đã rời bỏ được chúng. Cô có sẵn sàng để đối phó với những ngăn trở và chướng ngại mà Cô sẽ gặp phải hay không?

- Có. Tôi đã đi đến quyết định này sau khi suy nghĩ rất nhiều và bây giờ tôi sẵn sàng đương đầu với mọi việc, ngay cả đói và khát. Ngay cả bây giờ tôi không ăn hay thậm chí bảo mọi người rằng tôi nhịn đói cho tới khi tôi được cho thức ăn.

Tôi tin rằng chính những ước muốn sinh ra sự mong cầu và dẫn đến rối loạn cùng tàn phá. Để có được niềm an lạc và vui vẻ, một người phải hài lòng với những gì mình có và tôi sẽ theo con đường này.

- Cha mẹ và bạn bè của Cô phản ứng ra sao về sự quyết định này của Cô?

- Mới đầu thì họ sửng sốt nhưng sau đó khi họ nhận thức được rằng tôi tiến đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì họ giúp tôi tận tình.

- Cô có muốn nói gì với giới trẻ không?

- Mọi người dễ dàng bị lôi cuốn vào sự vui thú hoặc buồn chán mà mọi thứ đều rất ngắn ngủi. Cái mà bất diệt là bạn và thể tính của bạn. Một người nên học để chấp nhận mọi phương diện của đời sống và sẽ gặt hái được niềm vui thật sự.

Một nhà văn đã từng viết, “Chúng ta, mọi người đều tò mò về thế giới bên ngoài nhưng tại sao không dành một phút nào để tìm hiểu con người bên trong và những đòi hỏi riêng tư của chúng ta?”. Để biết được chính mình thì khó hơn nhiều là biết được người khác.

Kohinoor đã theo cuộc hành trình để nhận biết con người bên trong Cô, đồng thời cắt đi sợi dây thử thách của vật chất chung quanh Cô. Nhất định đây là cuộc hành trình đầy chông gai nhất cho một người đã lên tới đài danh vọng. Nhóm Cyber Nepal hy vọng Cô sẽ thành công trên chuyến đi và trở thành một tấm gương sáng cho mọi người. Chúc Cô mọi sự tốt đẹp, Kohinoor!

Kohinoor Singh, một người mẫu nổi tiếng ở Nepal. Cô lôi cuốn chúng ta qua những tấm hình nóng bỏng trên hàng tá băng nhạc và quảng cáo. Không thắc mắc chi Cô ta rất đẹp, rất nóng bỏng, nhưng mặt khác của Kohinoor, chỉ được biết bởi những người thân của Cô.

Ít ai biết Kohinoor còn có biệt tài viết hay, giao tiếp giỏi với quần chúng và Cô còn là một ca sĩ tuyệt vời. Trong một buổi chụp ảnh cho Cyber Nepal, Cô đã làm chúng tôi kinh ngạc về sự chuyên nghiệp, với một kiểu đứng và diễn tả, chúng tôi chỉ cần chụp mà không cần phải chỉ dẫn gì thêm cho Cô.

Diệu Anh (dịch)